Đổng ma ma nghĩ tới đây liền quay người đi rót chén trà.
Đại thái thái thấy thế thì vội vàng bước lên nhận lấy chén trà, tự mình thổi cho bớt nóng rồi mới dâng cho lão thái thái.
Một lúc lâu sau lão thái thái mới nhận trà, nhưng chỉ nhận chứ không uống mà đặt xuống trên bàn, “Ta đã gả vào Trần gia thì mọi chuyện sẽ lấy lợi ích của Trần gia làm đầu, nếu cô còn tiếp tục làm ra chuyện thương thiên hại lý, ta sẽ đích thân trả cô về lại cho Đổng gia. Ta có thể thiên vị cô, nhưng cô cũng đừng quên bảy điều sai*.”
(*) Thất xuất - Bảy lý do để bỏ vợ trong thời phong kiến: Không con, dâm loạn, bất hiếu với cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, bị bệnh nan y.
Ánh mắt lão thái thái sắc lẹm, từng câu từng chữ như kim châm khiến Đại thái thái Đổng thị không nhịn được mà rùng mình.
Lão thái thái nhìn Đại thái thái Đổng thị chằm chằm, “Ta nói được là làm được.”
Đại thái thái Đổng thị rưng rưng nước mắt, không dám cãi lại, “Người cũng biết lòng con, con luôn toàn tâm toàn ý hầu hạ người và lão gia. Bên Liễu di nương con sẽ cẩn thận chăm non, tuyệt đối không để xảy ra chuyện gì nữa.”
Lão thái thái gật đầu, gương mặt vẫn lạnh tanh, “Tốt nhất là hãy làm được như lời cô nói.”
Vừa bước ra khỏi phòng lão thái thái, vẻ cung kính trên mặt Đại thái thái Đổng thị liền biến mất tăm.
Lão gia là con trai trưởng của lão thái thái, lão thái thái lại luôn thiên vị nhà Nhị thúc. Nhất là Lâm Phương, gần như là được lão thái thái yêu thương, nâng niu trong lòng bàn tay, ngay cả lúc nhánh cả sang chơi lão thái thái cũng cho Lâm Phương ra tiếp khách. E rằng tương lai, chuyện tốt kia có nguy cơ rơi vào tay Nhị thúc rồi, bằng không Nhị đệ muội đã không trắng trợn đối đầu với bà ta như vậy.
Trong lúc bà ta một lòng một dạ đối phó với Tam thúc, hơi sơ sẩy sẽ bị Nhị thúc làm ngư ông đắc lợi nẫng tay trên. Nếu không tính kỹ thì về sau cả nhà bà ta sẽ bị Nhị thúc đoạt mất chỗ tốt. Chuyện đã tới nước này, nói sao bà ta cũng không tin lão thái thái chỉ nói cho mình bà ta biết về sự kiện kia. Chắc chắn nhà Nhị thúc cũng đã biết, nếu không sao Lâm Phương lại ra sức lấy lòng lão thái thái bên nhánh cả đến vậy.
Sắc mặt Đại thái thái Đổng thị càng lúc càng âm u, Phương ma ma và nha hoàn đi bên cạnh e dè lên tiếng báo: “Lão thái thái của nhánh cả cho người đưa quà đáp lễ cho các vị tiểu thư ạ.”
Quà đáp lễ của nhánh cả?
Đại thái thái Đổng thị nhìn chiếc hộp vàng nhạt bằng gỗ lê trong tay, chào hỏi qua loa với hạ nhân của nhánh cả xong mới tự tay mở hộp ra. Vừa nhìn thấy đáp lễ dành cho Lục tiểu thư Lâm Di của lão thái thái nhánh cả, Đại thái thái Đổng thị không khỏi kinh ngạc. Của Lâm Uyển và Lâm Phương cũng chỉ là một chiếc trâm hoa bằng ngọc thạch, nhưng trong hộp của Lâm Di ngoài một chiếc trâm còn có một cây bút lông, đầu bút làm bằng lông cừu, cán bằng bạch ngọc chạm trổ hình hoa sen.
Đại thái thái Đổng thị quay sang nhìn Phương ma ma, “Lục nha đầu chỉ gặp Tam cô nãi nãi của nhánh cả một lần thôi đúng không?”
Phương ma ma đáp: “Nghe nói Lục tiểu thư còn tặng đai đeo trán cho lão thái thái nhánh cả.”
Ra là thế, không thì tại sao lão thái thái nhánh cả lại đáp lễ hậu hĩnh như vậy.
Cho dù bà ta không am hiểu mấy loại văn phòng tứ bảo này lắm thì cũng nhìn ra được, cây bút lông cừu này không hề rẻ.
Bà ta mới rời phủ một ngày mà đã để Lục nha đầu được lợi rồi.
Đại thái thái Đổng thị “hừ” lạnh một tiếng, vốn tưởng Lục nha đầu bị bệnh thì sẽ ở yên trong khuê phòng để bà ta bớt nợ, bây giờ xem ra, phải tính kế khác rồi.
Đại thái thái đặt lại danh sách quà vào đáy hộp, ra lệnh cho Phương ma ma: “Đưa lễ vật đến chỗ các tiểu thư đi, nói rõ là lão thái thái nhánh cả gửi tới.”
Phương ma ma nhìn thấy vẻ mặt đầy thâm ý của Đại thái thái thì vội cúi đầu, ghé tai lại gần lắng nghe chủ nhân dặn dò.
Nghe xong mắt Phương ma ma dần sáng lên, “Vậy bên Liễu di nương…”
Lão thái thái đã gọi bà ta sang hỏi tội, nếu bây giờ bà ta lại nhập nhằng không giải quyết thì kết quả chỉ thiệt cho bà ta, “Chọn mấy nha đầu lanh lợi rồi phái tới chỗ Liễu di nương và Lục tiểu thư.”
Sân khấu vẫn còn đó, tuồng kịch không thể không diễn… Bà ta chỉ cần đổi kịch bản thôi.
Bà ta muốn cho nhà lão Nhị biết, hiện giờ đứng về phía bà ta cùng đối phó với nhà lão Tam mới là hành động đúng đắn.
…
Đàm ma ma giúp Lâm Di chọn một sấp vải lụa có thêu hoa cẩm chướng nhuộm màu hồng cánh sen làm áo, bảo thợ may lấy thêm hai khúc vải một màu hồng đào một màu xanh da trời để may đồ. Ngoài ra còn có áo sa mỏng khoác ngoài, váy xếp li, váy sa mỏng, váy bồng và váy mã diện*, tổng cộng hơn mười mấy món.
(*) Váy mã diện: tên một kiểu váy phổ biến của thời Minh, với tên gọi được đặt theo một kiểu cấu trúc tường thành phòng thủ thời đó.
Thợ may còn chưa về thì Đổng ma ma bên cạnh lão thái thái đã lại mang tới hai khúc vải để may thêm cho Lâm Di hai bộ.
Đổng ma ma đưa cho thợ may mười lượng bạc, tươi cười dặn dò: “Làm sao thì làm, nhất định phải may đồ cho Lục tiểu thư thật đẹp đấy.”
Trần gia là mối lớn nên dĩ nhiên không thể phục vụ chậm trễ, thợ may khom người nhận bạc, luôn miệng vâng dạ.
Lúc trở ra Đổng ma ma cũng không quên thông báo: “Lục tiểu thư đã khỏe lại nên lão thái thái có ý muốn mọi người đến Hòa Hợp đường cùng dùng bữa.”
Quy chế của Trần gia là đầu giờ Thân (3 giờ chiều) thỉnh an, giữa giờ Thân (4 giờ - 5 giờ chiều) hầu lão thái thái dùng bữa.
Vừa đưa Đổng ma ma đi xong, Phương ma ma bên cạnh Đại thái thái cũng tới, “Lão thái thái của nhánh cả gửi quà đáp lễ, Đại thái thái sai nô tỳ mang sang đây.”
Lâm Di đón Phương ma ma vào phòng xong liền bảo Linh Lung đi pha trà. Nhìn chén trà nhài được pha bằng nước vừa sôi, có thả thêm hai đóa hoa đào mới hái, Phương ma ma cười tít mắt, nhấc lên nếm thử, “Lần đầu tiên nô tỳ được uống trà nhài pha thế này đấy.” Nói xong thì thoáng liếc sang cái sàng đặt trên bàn thấp gần đó.
Lục tiểu thư đúng là đã cho hạ nhân đi hái hoa đào về. Lúc trước Lục tiểu thư có nói với lão thái thái mình theo nữ tiên sinh học làm sáp thơm, xem ra cũng không phải là nói bừa.
Tiên sinh giỏi cũng chưa chắc đã dạy ra trò giỏi. Phúc Ninh là chỗ xa xôi hẻo lánh, tất nhiên không so được với Kinh thành. Các tiểu thư trong Kinh thường có quý khí trời sinh, có học cũng chỉ học những môn tinh tế. Vị Lục tiểu thư này không giống loại người sẽ thấu hiểu được mọi chuyện, cho dù tặng vị này thứ tốt cũng chỉ là lãng phí.
Lâm Di cười nói: “Nếu Phương ma ma thích hương vị này thì chờ ta chế xong nước cốt hoa đào sẽ cho người tặng cho ma ma một hũ. Dùng để pha trà hay làm bánh đều rất thơm.”
Phương ma ma vui vẻ ra mặt, nhanh nhảu nịnh nọt, “Đây đúng là phúc khí của nô tỳ.”
Phương ma ma đi rồi Linh Lung mới mở hộp ra cho Lâm Di xem.
Lâm Di cúi đầu nhìn, là một chiếc trâm ngọc xinh đẹp.
Trong trí nhớ của nàng, lễ vật mà lão thái thái tặng nàng và Lâm Uyển và Lâm Phương chính là loại trâm ngọc này.
…
Giờ Thân, tất cả mọi người đều tụ tập trong phòng lão thái thái.
Từ trong phòng sưởi vọng ra từng trận cười giòn giã.
Lâm Di đi theo sau Tam thái thái Tiêu thị, nhìn thấy Lâm Phương đang ngồi trước thư án múa may một cây bút lông cừu.
Lâm Phương uyển chuyển đưa bút, cán bút bằng bạch ngọc tỏa ra một thứ ánh sáng rất dịu mắt. Cả phòng liên tục vang lên tiếng tán dương nịnh nọt của hạ nhân.
Lâm Phương cắn môi, mặt lộ vẻ lúng túng, “Cầm loại bút này vẽ hoa đào cũng hơi ngượng tay.”
Lão thái thái ngồi dựa lưng trên giường, nở nụ cười hiền từ, “Ngay cả người nhà vương hầu công khanh cũng chỉ dùng loại bút này thôi, cháu mới mười bốn tuổi, cầm nó dĩ nhiên sẽ thấy hơi nặng.”
Vợ Dương Duệ hay chạy việc cho lão thái thái hùng hồn nói: “Nào có ngượng tay gì đâu? Nô tỳ thấy Tứ tiểu thư vẽ thế là đẹp lắm rồi, ngay cả tranh của cư sĩ* Lục Thạch gì đó so ra còn kém tranh của tiểu thư.”
(*) Cư sĩ: người tu tại gia.
Lão thái thái chỉ vào vợ Dương Duệ, phì cười, “Ghê chưa, ngươi mà cũng biết cư sĩ Lục Thạch cơ đấy.”
Tất cả lại cười rộ.
Lâm Phương thôi cười, bặm môi cắm cúi vẽ tiếp.
Lão thái thái bảo Tam thái thái Tiêu thị và Lâm Di ngồi xuống gần đó, “Tứ nha đầu được tặng một cây bút lông cừu, giờ coi nó như bảo bối kia kìa, ngay cả cơm cũng không buồn ăn.”
“Tất nhiên rồi.” Đại thái thái Đổng thị cho người bày bát đũa ra bàn, “Đó là bút lông cừu do lão thái thái nhánh cả tặng, cả Trần gia có được mấy cây chứ, lão thái thái nhánh cả thương Lâm Phương của chúng ta thật.”
Lâm Di bước ra hành lễ với Đại thái thái, Đại thái thái Đổng thị kéo Lâm Di lại gần hỏi han bệnh tình của nàng. Tam tiểu thư Lâm Uyển bên cạnh Đại thái thái vốn ít nói, chỉ im lặng ngồi cạnh mẹ mình, thỉnh thoảng quay sang cười với Lâm Di.
Lâm Phương vẽ xong bức tranh hoa đào thì đưa tới cho lão thái thái xem.
Lão thái thái cười nói: “Đúng là có mấy phần giống phong cách của cư sĩ Lục Thạch.” Vừa nói bà cụ vừa ngẫm nghĩ, “Bá tổ mẫu của cháu cũng thích cư sĩ Lục Thạch đấy, đã được tặng bút lông cừu thì nhớ gửi tranh sang đó, mời bá tổ mẫu của cháu nhìn một cái.”
Tất cả mọi người đều thấy đây là ý kiến hay.
Lão thái thái bảo người hong khô tranh rồi lập tức đưa tới chỗ nhánh cả, Đại thái thái Đổng thị nhìn Lâm Di vẫn ngồi yên tại chỗ, khóe miệng hơi nhếch lên.